Với những cống hiến và di sản đã để lại, sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là nỗi mất mát to lớn đối với cộng đồng Phật giáo trên toàn thế giới.

Như đã đưa tin, cáo phó của tăng đoàn Làng Mai thông báo, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP. Huế vào hồi 00:00 ngày 22 tháng 01 năm 2022 (tức ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu) ở tuổi 96.

Trước sự ra đi của vị Thiền sư đáng kính, cộng đồng Phật giáo trong nước và thế giới vô cùng tiếc thương. Hàng triệu những lời tri ân, cầu nguyện đã được gửi đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh, mong cầu linh hồn của ngài được an nghỉ nơi vĩnh hằng.

Báo quốc tế đồng loạt đưa tin về sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Thế giới sẽ nhớ về Thầy như một nhà lãnh đạo tôn giáo có sức ảnh hưởng nhất"

Cùng ngày, báo chí quốc tế trong đó có thể kể đến những trang báo chính thống uy tín nhất như Reuters, The Guardian, BBC, New York Times... đều đồng loạt đưa tin về sự ra đi của vị Thiền Sư, tỏ rõ lòng tiếc thương đồng thời tóm lược cuộc đời lỗi lạc, những cống hiến không ngừng nghỉ và di sản to lớn mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh của Việt Nam đã để lại.   

Trang Reuters trích dẫn tâm thư xúc động của bà Marie C. Damour - Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, trước mất mát to lớn này của Phật giáo thế giới:"Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được nhớ đến là một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo nổi bật và có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Những lời dạy dỗ, các tác phẩm văn học và di sản của ông sẽ được lưu giữ cho các thế hệ mai sau". Vị quan chức ngoại giao nói thêm rằng những bài học của ông, đặc biệt là về việc đưa chánh niệm vào đời sống hàng ngày, đã làm phong phú thêm thế giới nội tâm của vô số người dân Mỹ. 

Báo quốc tế đồng loạt đưa tin về sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Thế giới sẽ nhớ về Thầy như một nhà lãnh đạo tôn giáo có sức ảnh hưởng nhất"

Là một nhà tiên phong trong việc phát triển Phật giáo ở phương Tây, ông đã thành lập tu viện "Làng Mai" ở Pháp và thường xuyên bàn về thực hành chánh niệm cho giới doanh nghiệp cũng như đông đảo các phật tử quốc tế. "Bạn học cách đau khổ. Nếu bạn biết cách đau khổ, bạn sẽ bớt đau khổ hơn nhiều. Và sau cùng, bạn biết cách biến đau khổ thành niềm vui và hạnh phúc",ông nói trong một bài giảng năm 2013, "Nghệ thuật của hạnh phúc và nghệ thuật của đau khổ luôn đi cùng nhau".

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói được bảy thứ tiếng, đã từng thuyết giảng tại các trường đại học lớn như Princeton và Columbia ở Hoa Kỳ vào đầu những năm 1960. Ông trở lại Việt Nam vào năm 1963 để tham gia cuộc phản đối Chiến tranh Việt Nam - Hoa Kỳ của giới Tăng, Ni, Phật tử trong nước, trong đó có các cuộc biểu tình tự thiêu của một số nhà sư. 

Trước đỉnh điểm của Chiến tranh Việt Nam vào những năm 1960, ông đã gặp nhà lãnh đạo dân quyền Martin Luther King của Mỹ, và thuyết phục thành công để ông lên tiếng chống lại cuộc xung đột giữa 2 nước Mỹ - Việt. Ông gọi Thích Nhất Hạnh là "một tông đồ của hòa bình và bất bạo động", đồng thời đề cử Thầy Thích Nhất Hạnh cho giải Nobel Hòa bình. "Cá nhân tôi không biết có ai xứng đáng với giải Nobel Hòa bình hơn một nhà sư Phật giáo hiền lành đến từ Việt Nam này," King viết trong lá thư đề cử của mình. 

Báo quốc tế đồng loạt đưa tin về sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Thế giới sẽ nhớ về Thầy như một nhà lãnh đạo tôn giáo có sức ảnh hưởng nhất"

Đồng tu Haenim Sunim, người từng đóng vai trò là phiên dịch của Sư Thích Nhất Hạnh trong chuyến đi đến Hàn Quốc của ông trong quá khứ, cho biết Thiền sư rất điềm đạm, chu đáo và yêu đời. Ông nói trên Reuters: "Ông ấy giống như một cây thông lớn, cho phép nhiều người an nghỉ dưới cành của mình bằng lời dạy tuyệt vời chánh niệm và lòng từ bi. Ông ấy là một trong những người tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp." 

Các tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và việc quảng bá về chánh niệm và thiền định đã được phổ biến rộng rãi hơn bao giờ hết trong hai năm qua, khi thế giới lao đao vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 - thảm kịch đã giết chết hàng triệu người, đồng thời khiến cuộc sống của tất cả chúng ta bị đảo lộn. "Hy vọng là quan trọng, bởi vì nó có thể làm cho thời điểm hiện tại bớt khó khăn hơn", Sư Thích Nhất Hạnh viết. "Nếu chúng ta tin rằng ngày mai sẽ tốt hơn, chúng ta có thể vượt qua được ngày hôm nay. Nếu bạn có thể kiềm chế hy vọng, bạn có thể giúp bản thân mình sống trọn với khoảnh khắc hiện tại và tận hưởng niềm vui đã ở đây."

Nguồn: Reuters, Yahoo, BBC

https://kenh14.vn/bao-quoc-te-dong-loat-dua-tin-ve-su-ra-di-cua-thien-su-thich-nhat-hanh-the-gioi-se-nho-ve-thay-nhu-mot-nha-lanh-dao-ton-giao-co-suc-anh-huong-nhat-20220122171158142.chn

P.H

NGƯỜI ĐÃ CHIA SẺ

Thấy hay thì share ngay!

BÌNH LUẬN