Báo chí, cư dân mạng liên tục đưa nhiều thông tin liên quan đến việc "bùng" đơn hàng và phê phán gay gắt trò tệ hại này, nhưng dường như vẫn chưa mấy cải thiện. Sự cẩu thả, vô trách nhiệm khi đặt hàng hoặc có thể xuất phát từ trò nghịch ngợm của "trẻ trâu" khiến không ít shipper lâm cảnh trớ trêu.
Chỉ mới tuần trước, sự việc 13 ly trà sữa bị "bùng" của shipper trẻ Đặng Thành Tâm gây nên làn sóng phẫn nộ từ cộng động mạng.
Từ lời chia sẻ của Thành Tâm, ngay sau khi nhận được đơn hàng 13 ly trà sữa, Tâm đã kỹ lưỡng gọi xác nhận với khách và tiến hàng mua hàng với chi phí hơn 250.000 đồng. Oái ăm thay, khi mang hàng đến nơi, Thành Tâm gọi điện thoại thì nhận tín hiệu "ò í e". Dù chàng shipper cố liên lạc thêm nhiều lần nữa, số điện thoại bên kia vẫn "ngoài vùng phủ sóng".
Gọi hơn 10 cuộc điện thoại, Thành Tâm đành chấp nhận ra về với tâm lý hoang mang, bức xúc. "Tụi em kiếm tiền bằng chính sức lực để trang trải cuộc sống, dãi nắng dầm mưa mang ly nước, bữa ăn đến tận tay khách hàng, nhưng sao có những người lại ứng xử vô tâm như vậy, đặt cho vui rồi khóa máy", Thành Tâm cay đắng nói.
Từng nghe một vài người trong giới shipper nói về chuyện "bùng" hàng tương tự, nhưng đây là lần đầu, cùng với việc vào nghề chưa lâu khiến Thành Tâm không khỏi chán nản. Tâm sự với mấy anh em cùng công ty, Tâm được các anh hướng dẫn thông báo lên văn phòng Loship để được hỗ trợ mua lại.
Theo đó, sáng 20/6, một ngày sau khi gặp sự cố, Thành Tâm đến văn phòng Loship để giải quyết đơn hàng và đã được hoàn trả đầy đủ số tiền mua 13 ly trà sữa.
Tâm kể lại trong mừng rỡ: "Em báo cáo lại chính xác tình huống sự việc và cung cấp các thông tin cho công ty đối chiếu. Em trình cho Loship hình ảnh lịch sử cuộc gọi và chứng minh đã gọi hơn 10 cuộc mà không liên lạc được với khách. Phía công ty xác nhận, cập nhật thông tin trên đơn hàng rồi chuyển tiền vào ứng dụng đi đơn của em luôn. Cả quá trình nhanh lắm, mất cỡ hơn 5 phút".
Trước đó, Tâm chia sẻ rằng em khá lo lắng và nghĩ rằng công ty sẽ chỉ hỗ trợ một phần tiền, không được mua lại toàn bộ đơn hàng, tuy nhiên kết quả khiến Tâm "thở phào nhẹ nhõm". Tâm vừa bất ngờ vừa vui vẻ thuật lại: "Mừng lắm chị ơi, bên Loship mua lại toàn bộ 13 ly trà sữa theo đúng tổng số tiền đơn hàng. Hoàn lại được vốn. May mắn là em nhận lại được đủ tiền, chứ em đang lo thiếu tiền đóng học phí".
Hãy thử hình dung, đa số nạn nhân của trò lật kèo quái dị là người đang kiếm từng đồng ít ỏi từ công sức lao động chính đáng. Họ phần lớn là người nghèo, sinh viên làm thêm. Nếu như không có sự đồng hành hỗ trợ, họ có thể đã mất luôn phần tiền mà đó là tiền học, tiền nhà, hay có khi là tiền sữa cho con. Đáng vui mừng là cái nghề "chạy xe, hít khói bụi kiếm tiền" còn có chính công ty đồng hành. Cái tâm của khách hàng, cái tâm của công ty công nghệ giúp cho cái nghề giãi nắng dầm mưa này trở nên nhẹ nhàng hơn như là trường hợp của Thành Tâm và Công ty Loship.
Chàng shipper trẻ chân tình tâm sự: "Lúc đăng ký cũng nghe công ty nói nhiều về các qui định nhằm hỗ trợ tài xế, tuy nhiên em lơ là không mấy quan tâm. Trải qua việc bị bùng đơn em mới thấy ý nghĩa của các chính sách chăm sóc tài xế, có thêm động lực và niềm tin cho nghề shipper".
Qua sự việc, có chăng chúng ta nên dành một sự tán thưởng cho các công ty đã luôn đồng hành, thấu hiểu và chia sẻ cho người tài xế. Họ là những "điểm tựa" lặng thầm thực hiện những chính sách vì người tài xế như Loship trong trường hợp của Thành Tâm, nhưng khi bị "bùng đơn" hầu như họ chưa được truyền thông và xã hội chú ý.
Được biết, từ những ngày đầu tiên khi mà dư luận chưa xôn xao về tình trạng boom hàng vô ý thức, Loship - công ty của Thành Tâm, đã có qui định về xử lý mua lại đơn hàng khách không nhận. "Chúng tôi đã dự liệu nhiều tình huống nhằm hỗ trợ cho các chiến binh shipper làm việc tốt nhất, hiệu quả nhất. Loship xác định, các chiến binh là lực lượng chính và luôn đưa ra nhiều chính sách phù hợp để trợ lực cho họ yên tâm ngày đêm phục vụ khách hàng, dẫu còn những sự cố ngoài mong muốn có thể xảy ra", đại diện Loship chia sẻ.
Cuối buổi trò chuyện với chúng tôi, Thành Tâm mong muốn, khách hàng đừng quá coi thường công sức của người giao hàng như chuyện anh vừa gặp phải. Sự việc này không chỉ làm ảnh hưởng đến tiền bạc mà còn bào mòn lòng tin giữa khách đặt hàng và người giao. "Cũng may cái nghề "chạy xe, hít khói bụi kiếm tiền" còn có công ty hậu thuẫn. Chính sách hỗ trợ, chia sẻ như công ty Loship đã làm, không chỉ khắc phục thiệt hại cho tài xế mà còn giúp chúng tôi tin tưởng vào sự đồng hành đầy sẻ chia", Thanh Tâm bộc bạch.
Theo Kenh14
BÌNH LUẬN