Người ta hay nói, Trung Thu là Tết thiếu nhi. Chẳng phải ngẫu nhiên mà có khái niệm này. Bởi quả thật càng lớn, ta càng dễ thấy Trung Thu xa mình hơn.
Nó là một cuộc chia tay hoàn toàn tự nhiên. Chỉ đơn giản là đến một ngày, bạn chợt nhận ra mình chẳng còn hứng thú với những đám đông ồn ã chen nhau ngoài Hàng Mã tìm một cây đèn hay chụp vài kiểu ảnh; không thấy bánh nướng bánh dẻo ngon như hồi thơ bé, dù cho bây giờ nó có đủ hình thù, cũng đủ loại nhân khác nhau; cũng đương nhiên chẳng có ý định tỉ mẩn bày một mâm cỗ rồi ngồi chờ trăng lên, bởi những ánh đèn cửa gương cùng những tòa nhà cao tầng khiến trăng cũng đâu còn cơ hội tỏa rạng nữa.
Mà kể cả mâm cỗ đã đủ đầy, ánh trăng đã sáng rõ, còn ai cùng mình ngồi chờ trăng lên, khi Trung thu không phải dịp dành cho những kẻ lang thang cô độc, còn những người bạn thơ ấu ai cũng đã có cho mình những kế hoạch riêng, những bận bịu riêng.
Vậy còn gì để chờ đợi mỗi dịp Trung Thu về?
Có lẽ chúng ta đều đã đi qua thời điểm có thể vui vẻ hồn nhiên vì những điều thật nhỏ bé… như là khi đến ngày Trung thu.
Trung Thu trong kí ức của tôi là bầu trời quang đãng với ánh trăng dịu dàng, là tiếng cười đùa nô nức của lũ bạn thân hàng xóm, là tiếng vỗ tay đen đét của các cụ ông cụ bà trước một màn biểu diễn đột xuất nào đó từ lũ trẻ, là mâm cỗ với bưởi, hồng ngâm, với bánh nướng bánh dẻo được cắt miếng gọn gàng, là ánh nến lập lòe từ cây đèn cù chạy trong sân hòa vang cùng tiếng cười…. là tất cả những gì nhỏ nhẹ nhất, mộc mạc giản dị nhất.
Nhưng những điều đó cũng xa vời nhất nếu cố kiếm tìm từ hiện tại.
Dù muốn dù không, Trung thu giờ cũng đã nhạt dần. Nó đơn thuần là một dịp để đi chơi. Rồi thì người ta vẫn sẽ đi xem phim, đi ăn, đi café,… đi làm những việc mà vào bất cứ ngày nghỉ nào người ta cũng có thể làm. Cuộc sống của người lớn vốn dĩ không có khái niệm "Tết thiếu nhi". Vì chúng ta đều đã đi qua thời điểm chúng ta có thể vui vẻ hồn nhiên với những điều thật nhỏ bé như một cây đèn lồng tự tay làm cùng đám bạn, một miếng bánh nướng mà mẹ để phần cho khi đi chợ về, hay một tiếng gọi í ới ngoài sân cùng tiếng trống múa lân rộn rã từ ngoài phố, để có thể bỏ mặc bài vở đang dang dở, bỏ mặc chiếc áo trên người vẫn còn lấm lem vì ăn cơm xong chưa tắm, chạy ra ngoài mà đón Trung thu một cách nồng nhiệt nhất.
Nhưng trong mỗi người, có lẽ Trung thu vẫn ở một góc nhỏ đặc biệt nơi tâm hồn
Khi còn nhỏ, không biết bao lần chúng ta mơ đến ngày được lớn lên, mường tượng khi mình trưởng thành, ăn mặc chỉn chu, tự tay kiếm ra tiền, có thể tự mua được những món đồ mình thích mà không cần mè nheo bố mẹ, cũng không cần phải tỏ ra ngoan ngoãn suốt cả tuần trời… Khi lớn lên sẽ như thế nào nhỉ? Chúng ta hồi hộp, chúng ta tò mò, chúng ta mong đợi, vì không đứa trẻ nào biết được chính xác mình sẽ ra sao vào khoảng 15 năm tới.
Để rồi hiện tại, khi đã trở thành "người lớn", điều chúng ta mong đợi nhất đôi khi chỉ là được quay ngược thời gian, được bé lại một lần nữa.. Không phải vì tò mò, bởi ai trong chúng ta cũng biết ngày xưa đã như thế nào. Chỉ đơn giản là, muốn được sống lại cảm giác hồn nhiên ấy một lần nữa mà thôi.
Tôi nghe đâu đó một câu nói đại ý rằng, trong mỗi chúng ta luôn luôn tồn tại phần tâm hồn của một đứa trẻ. Đó là những gì ngây thơ nhất, trong trẻo nhất, là những khát vọng và nhớ nhung nhất về những ngày thơ bé đã qua.
Ừ, và rồi một ngày tôi chợt nghĩ, Trung thu có lẽ chẳng đi đâu xa, khi nó vẫn luôn là một góc nhỏ trong tâm hồn, khi trong sâu thẳm tôi vẫn luôn mong đợi một chiếc đèn ông sao, một mâm cỗ giản dị, những người bạn thơ ấu, chơi vài trò chơi hồi nhỏ, hát vài khúc nhạc con nít vu vơ, ở bên nhau quên tháng ngày… Vậy vì sao vào dịp này, tôi không cho bản thân cơ hội được vui những niềm vui ngây dại ngày xưa.
Thế rồi tôi nhận ra một điều giản dị. Trung thu đâu chỉ dành cho trẻ con, nó dành cho cả những người lớn muốn được trở lại làm trẻ con 1 lần nữa.
Như tôi, và có thể là, như cả bạn.
KingPro
BÌNH LUẬN