Đừng đợi năm dài tháng rộng bỗng chốc thu hẹp, nhìn thấy cuộc đời mình chỉ là nỗi buồn mênh mang đầy nuối tiếc…
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao mãi câu chuyện về cụ bà 88 tuổi ly hôn chồng đã vài năm. Ở cái tuổi xưa nay hiếm đó, bà lại thực hiện một hành động cũng hiếm ai từng làm: chia tay người chồng chung sống cùng mình gần 50 năm vì cả đời ông không một lần rửa bát.
Bao nhiêu câu hỏi được người đọc liên tục đặt ra: Bà đã chịu đựng gần 50 năm rồi, cuối đời chẳng lẽ không nhẫn nhịn được thêm một đoạn để có người bầu bạn? Có phải bà ly hôn để ông nhìn nhận lại bản thân, rồi đâu lại vào đấy không? Ly hôn rồi, con đường còn lại của bà sẽ thế nào? Hôn nhân thực sự đáng sợ đến thế sao?
Nhưng nghe kĩ câu chuyện của bà, nhiều người chỉ biết thương cảm cho người phụ nữ cả nửa đời người nhẫn nhịn thương yêu. Suốt gần 50 năm, chồng bà chẳng đồng lòng đồng tâm, sống với nhau cũng không khác biệt hơn người dưng. Còn thương, còn ở lại nhưng nước mắt vẫn chẳng bao giờ dừng chảy. Bà khóc nhiều đến mức bị viêm mí mắt. Bà chọn ly hôn như một sự giải thoát cho mình, để mình một lần nữa tự do, trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại của đời người.
Chợt nghĩ, câu chuyện đời sống hôn nhân của bà, cũng rất giống với những người phụ nữ ngoài kia. Bao nhiêu người vì thương mà ở lại chăm sóc một người chồng hờ hững, vô tâm. Bao nhiêu người đánh đổi thanh xuân và niềm vui của mình vì nghĩ sẽ thay đổi được một người đàn ông? Bao nhiêu người cố gắng níu kéo, gìn giữ một mối quan hệ vì sợ mất mặt, sợ cô đơn, sợ không thể tìm được một người nào khác, sợ tương lai, sợ phải tự mình đứng trên đôi chân mình…?
Cuộc sống con người, nhìn dài cũng không phải nhưng ngắn cũng chẳng đúng. Có lẽ nói là đáng sống, sống vui vẻ hay sống một cách nuối tiếc thì đúng hơn. Phụ nữ dù ở thời hiện đại, vẫn để quá nhiều nỗi sợ bủa vây chính mình. Sống là kết quả của nhiều sự lựa chọn, chọn vì sợ, lại thành ra cảm thấy bản thân khuyết đi một phần. Phần đó, chính là con người cũ của mình.
Con người cũ đó, thời thanh xuân ôm biết bao nhiêu giấc mơ, can đảm và cứng đầu đến thế nào. Một lần lấy chồng, bèn gác hết tất cả, chăm lo cho một người đàn ông. Thêm chút thời gian nữa, chăm lo cho cả gia đình nhỏ. Giấc mơ nằm phủi bụi, thỉnh thoảng nhìn qua nhưng cảm giác xa xôi khó với.
Con người cũ đó, bao lần chạnh lòng muốn bứt phá, khao khát được như bạn bè mình. Nhưng lại dằn lòng hi sinh, chấp nhận bó mình thật chặt trong cái kén buộc sẵn, mỗi ngày đều thấy chật chội khó thở. Nhưng lại không dám trò chuyện chia sẻ với chồng, hoặc giả có chia sẻ, lại bị bao suy nghĩ, toan tính và sợ hãi làm chùn chân. Cuối cùng vẫn chấp nhận làm sâu trong kén, tài năng dù có cũng không hóa bướm được bao giờ.
Con người cũ đó, sức sống giống như cỏ dại. Dù hoàn cảnh khó sống đến thế nào, cũng chưa từng bị chôn vùi nhưng đôi lúc lại khiến bạn suy nghĩ khôn nguôi: nếu tôi được học lên thì tương lai sẽ khác? Tôi muốn được kinh doanh và gặp gỡ những người khiến tôi thấy cuộc sống tươi vui hơn? Tôi muốn mình xinh đẹp? Tôi muốn thử thách bản thân mỗi ngày chứ không phải quanh quẩn bên những công việc nội trợ nhàm chán?
Bạn nghĩ, sức chịu đựng, nhẫn nhịn và chấp nhận của mình sẽ kéo dài bao lâu? Tới hết cuộc đời hay chừng 50 năm như cụ bà, rồi giải phóng mình với nỗi buồn rằng tại sao mình không sống cho bản thân mình sớm hơn?
Sống vì hạnh phúc của mình không phải là lối sống ích kỉ như người khác vẫn nghĩ. Chỉ là cho mình quyền lựa chọn hạnh phúc mà thôi. Điều đau khổ nhất không phải là lựa chọn sai một người chồng nhưng là lựa chọn sống trái với con người thật của mình: mỗi ngày phải đè nén, phải mang mặt nạ, phải gượng gạo, chấp nhận bó buộc… Hạnh phúc mỗi người tự định nghĩa, sống hạnh phúc là theo trái tim mình chỉ bảo.
Phụ nữ hiện đại, họ hơn những người phụ nữ như cụ bà trong câu chuyện phía trên, ở chỗ họ được tiếp cận nền giáo dục cao hơn, sống ở hoàn cảnh xã hội thoải mái, cấp tiến và nhiều lựa chọn hơn. Vì vậy họ có quyền tận hưởng và phấn đấu vì cuộc sống ao ước của chính mình.
Cuộc sống thực sự rất ngắn ngủi, đừng vì ánh nhìn của người khác mà nhét mình vào một tiêu chuẩn hạnh phúc và vui vẻ của số đông. Đừng đưa chân bước đại, sống đại cho trọn một cuộc đời mà quên đi chúng ta có quyền tô vẽ thêm nhiều màu sắc, thêm vào đó chút âm thanh và giai điệu…
Từng nhớ, trong tác phẩm nổi tiếng “Những người đàn ông không có đàn bà”, Haruki Murakami đã viết rất chí lý rằng: “Có những người, do có quá nhiều ẩn ức, phiền muộn nên buộc phải sống cuộc đời chuyên nghiệp đến kinh ngạc. Họ tin rằng mình đang sống với một tâm thế rất tự nhiên, chính trực, không màu mè, giả tạo. Thế rồi ở một thời khắc nào đấy, khi bị thứ ánh sáng đặc biệt từ đâu đó rọi vào, họ đột nhiên nhận ra tính chất nhân tạo, hay là tính phi tự nhiên trong sự vận hành của mình và phải đối mặt với cục diện, có khi rất bi, có khi lại rất hài”.
Tự hỏi, câu chuyện của cụ bà hơn 80 tuổi ly hôn chồng, có trở thành một “thứ ánh sáng đặc biệt” để những phụ nữ hiện đại suy nghĩ về cuộc sống của mình không?
ST
BÌNH LUẬN