Không ồn ào, sầm uất như Sài Gòn, Đà lạt chọn riêng vẻ đẹp yên bình, mộng mơ, quyến rũ và e ấp giữa bạt ngàn rừng thông xanh mướt. Nơi đây ngày xưa từng là chốn nghỉ dưỡng của các bậc vua chúa, sau này là nơi sinh sống của những người đồng bào thiểu số thuộc bộ tộc K’Ho. Sau cuộc khám phá của bác sĩ Yersin, Đà Lạt dần dần hình thành và phát triển cho đến hiện tại và trở thành một thành phố nổi tiếng về du lịch nghỉ dưỡng.
Trải qua một hành trình dài thăng trầm suốt nhiều năm từ thời chiến tranh, Đà Lạt cũng "gồng mình" để cùng con người giành lấy hòa bình. Nhìn những hình ảnh ngày xưa thì Đà Lạt bây giờ có lẽ không thay đổi nhiều, vẫn quyến rũ, vẫn nhẹ nhàng, vẫn luôn được con người yêu mến từ vẻ đẹp đến khí hậu và cảnh quan.
Nếu có khác hay thay đổi thì có lẽ là nó ngày càng đẹp hơn, tráng lệ hơn, và lộng lẫy hơn mà thôi. Tuy thời gian hình thành và phát triển khá ngắn so với các địa danh khác nhưng Đà Lạt cũng đã kịp ghi lại cho mình những dấu ấn lịch sử khó quên trong lòng mọi người. Nếu quay lại thời gian 1925 - 1930 thì Đà Lạt sẽ như thế nào nhỉ? Cùng chiêm ngưỡng một loạt ảnh ngày xưa của Đà Lạt và coi thành phố xứ sở ngàn hoa đã có những bước chuyển mình thế nào nhé.
Một góc chợ Đà Lạt ngày xưa, mà nay giới trẻ hay đua nhau đến để chụp hình vì nó mang đậm nét vintage của một Hồng Kông. Trong hình là những bà nội trợ xách làn ra chợ mua bán, Đà Lạt ngày ấy khá yên bình và mộc mạc, không có những đoàn du khách tấp nập đến tham quan hay chụp hình như bây giờ.
Một góc nhìn khác của chợ Đà Lạt.
Cổng trước trường Yersin năm 1968.
Khu Hòa Bình ngày xưa so với hiện tại không có sự thay đổi quá lớn, chỉ là nơi đây nhiều xe cộ và con người tấp nập hơn.
Đường sá, nhà cửa Đà Lạt ngày xưa ấy, mộc mạc, đơn sơ.
Tuyến xe lửa từ Tháp Chàm lên Đà Lạt vào những năm 1940. Tuy giờ chặng đường này không còn hoạt động nữa nhưng với người dân Đà Lạt ngày xưa thì đây là một trong những hình ảnh in đậm trong ký ức của họ.
Hình ảnh ngày xưa của Hồ Xuân Hương
Toàn cảnh Viện Đại Học Đà Lạt được chụp vào năm 1968 và giờ đây trở thành một trong những điểm đến hàng đầu mỗi khi du khách ghé Đà Lạt.
Nhà thờ Con gà là nhà thờ lớn nhất của TP Đà Lạt cho đến hiện nay. Đây là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố này do người Pháp để lại. Sở dĩ có tên này là vì trên đỉnh thánh giá của tháp chuông có hình con gà - biểu tượng của nước Pháp.
Một góc đường sá của Đà Lạt ngay cạnh Hồ Xuân Hương ngày đó, có thể thấy được không xô bồ và tấp nập như ngày nay.
Cây xăng CALTEX nằm ở vị trí bưu điện thành phố Đà Lạt hiện nay.
Cổng dẫn Công ty Trà Việt Nam - Sở Trà Cầu Đất được chụp năm 1927. Ngày nay, đồi chè Cầu Đất không chỉ là dấu tích một phần lịch sử hình thành Đà Lạt, mà còn là địa điểm ưa thích đối với du khách khi ghé đến Đà Lạt.
Bạn có nhận ra ngôi trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt hay không?
Toàn bộ trung tâm thành phố Đà Lạt ngày xưa ấy được chụp từ trên cao
Đà Lạt của ngày xưa và ngay nay vẫn như thế, những hình ảnh đó vẫn không mất đi mà chỉ tô sửa lại bằng bàn tay của những con người nơi đây khiến nó trở nên tươi mới hơn. Những hình ảnh đó vẫn không mất đi chỉ là bởi quá yêu vùng đất này nên càng ngày cư dân đến đây đông hơn, cuộc sống đô thị dần hình thành nên nơi đây. Nói như vậy không có nghĩa Đà Lạt nay đã mất đi những nét ngày xưa, chỉ là, chút “hiện đại” của thời cuộc đã mang đến một Đà Lạt nhộn nhịp và rạng rỡ hơn so với những nét trầm buồn thuở trước.
Đà Lạt ngày nay là một thành phố đông dân, đô thị loại I trực thuộc tỉnh, giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng. Đà Lạt vẫn còn đó những tâm tư, những ước muốn, những nỗi niềm và những điều thú vị mà nhiều du khách muốn được khám phá và đặt chân đến nơi đây. Và khi đến đây rồi mọi thứ tại Đà Lạt đều để lại cho ta nhiều cảm xúc khó tả, để phải nhớ mong, phải chờ đợi một ngày được trở lại mảnh đất thân yêu này…
Ảnh: Bill Robie's/Pinterest
Khái Quỳnh
BÌNH LUẬN