Masataka Endo đã bỏ ra gần 2 thập kỉ, đi khoảng 30 km mỗi ngày để... tìm thú nuôi bị lạc chủ.

Masataka Endo đã bỏ ra gần 2 thập kỉ, đi khoảng 30 km mỗi ngày để... tìm thú nuôi bị lạc chủ.

Masataka Endo có thể được ví như một thám tử, dù ông chẳng tham gia phá giải bất kì vụ án nào. Người đàn ông 41 tuổi này thành lập hẳn cả một đội tìm kiếm bao gồm 10 thành viên chuyên phụ trách việc lần mò từng ngõ ngách để tìm lại các chú chó, chú mèo... "rủ nhau đi trốn".

Sở dĩ dịch vụ đặc biệt này ra đời là bởi người Nhật rất yêu quý động vật. Họ coi chó, mèo, chim, rắn... như những thành viên chính trong gia đình. Theo Hiệp hội thú cưng Nhật Bản, tính đến năm 2016, có tới 22 triệu chú chó, mèo được nhận nuôi. Trong khi đó, số trẻ em dưới 15 tuổi của đất nước này chỉ đạt ngưỡng 16,6 triệu. Điều đó có nghĩa là người Nhật còn thích nuôi thú cưng trong nhà hơn cả... trẻ em.

Có tới hơn 22 triệu chú chó và mèo được người Nhật chăm bẵm như... con đẻ.
Có tới hơn 22 triệu chú chó và mèo được người Nhật chăm bẵm như... con đẻ.

Cưng chiều thú nuôi là vậy nên nhiều người không khỏi rơi vào hốt hoảng khi phát hiện những anh bạn bốn chân đã chạy biến đi đâu. Mèo là loài vật nuôi chiếm tới 80% tổng số các trường hợp thú cưng đi lạc trên khắp Nhật Bản. Điều này được cho là do bản tính hiếu động, thích chạy nhảy nên mèo thường trốn khỏi nhà vào mùa xuân - mùa giao phối. Sau khi tìm kiếm suốt cả tuần mà không thấy hy vọng, những người chủ có chó mèo đi lạc mới tìm đến dịch vụ của Masataka Endo như một lời cầu cứu.

Dịch vụ tìm kiếm chuyên nghiệp không khác gì thám tử thực thụ

Mèo thường đóng vai chính trong các pha mất tích thần sầu. Chúng rất giỏi lẩn trốn. Hàng năm, người ta ghi nhận một con số lớn về những chú mèo đi lạc. Chúng chưa bao giờ từ bỏ cơ hội phi thân qua cửa sổ với ước ao tìm tới một không gian mới. Nhiều người nghĩ rằng mèo không đủ thông minh để tự mở cửa trượt, để rồi kết quả "mất tích hàng tuần trời" cuối cùng cũng khiến họ vỡ lẽ.

Masataka Endo (bên phải) cầm trong tay chiếc "bẫy" để dụ các "anh bạn trốn nhà".
Masataka Endo (bên phải) cầm trong tay chiếc "bẫy" để dụ các "anh bạn trốn nhà".

Đội tìm kiếm của Masataka Endo được thành lập từ năm 2011. Đội thường ra tay giải quyết các trường hợp khó nhằn, đặc biệt là sau khi khách hàng "đợi mãi không thấy thú cưng tự chạy về", hay "đã quá mệt mỏi với kết quả tìm kiếm bằng không do các phòng ban địa phương lẫn văn phòng kiểm soát động vật mang lại".

Sau khi có được thông tin nền từ khách hàng, đội tìm kiếm sẽ bắt đầu hỏi thăm những người dân sống quanh khu đó, đặt "bẫy" trong vòng 3 ngày. Với mỗi chú mèo mất tích, họ sẽ dán khoảng 100 tấm áp phích và phát tới 1.000 tờ rơi. Con số này sẽ là 300 tấm áp phích và 1.500 tờ rơi đối với chó hoặc chim.

Đội tìm kiếm cũng nắm rõ đặc điểm của loài vật để quá trình tìm kiếm được dễ dàng hơn. Ví dụ như giới tính, độ tuổi, thói quen… của vật nuôi sẽ nói lên phần nào hướng đi của chúng. Đối với mèo, giới tính đực hay cái, được nuôi trong nhà hay được chạy nhảy nhiều ngoài trời, bị thiến hay chưa... cũng là các gạch đầu dòng mà đội tìm kiếm đặc biệt lưu ý.

Masataka Endo ngó xuống gầm xe xem có "anh bạn" nào lẩn trốn dưới đó không.
Masataka Endo ngó xuống gầm xe xem có "anh bạn" nào lẩn trốn dưới đó không.

Endo từng gặp rất nhiều trường hợp mèo lạc ở bên nhà hàng xóm. Thậm chí có lần đội của ông tung ra cả ngàn tờ rơi để rồi cuối cùng phát hiện "nạn nhân" đang trốn ngay trong nhà. Quả là gần ngay trước mắt, xa tận chân trời nhưng chủ nhân của chúng mất tới cả tuần cũng không tài nào tìm ra.

Mèo đực thường lang thang trong một khu vực rộng hơn là mèo cái. Nếu chú mèo này biến mất khỏi khu dân cư (nằm trong thành phố), nó thường sẽ chỉ lẩn trốn đâu đó gần nơi ở. Nếu chú mèo đó sống ở vùng nông thôn, nơi thiếu vắng bóng dáng các tòa nhà cao tầng, khả năng nó "du hí" tới một nơi xa xôi là khá cao. Mèo nuôi nhốt trong nhà cũng không có khả năng cao chạy xa bay tốt như mèo nuôi ngoài trời.

Mèo rất giỏi lẩn trốn nhưng cũng không khó để tìm ra chúng.
Mèo rất giỏi lẩn trốn nhưng cũng không khó để tìm ra chúng.

Endo cho biết, những chú mèo thường khá lạ người, thận trọng và nhút nhát. Thị lực của mèo kém hơn con người rất nhiều. Chúng có thể biến thành "quỷ" vào ban đêm nhưng lại cận thị khi mặt trời ló. Do đó, các cuộc tìm kiếm của nhóm Endo thường diễn ra vào tầm nửa đêm tới 9 giờ sáng hôm sau, khi mà rất ít người ra đường.

"Mèo còn dễ tìm bởi phạm vi hoạt động của chúng khá hẹp. Nếu khách hàng tới và báo rằng họ để lạc mất chú chim hay chú chó nào thì điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ phải đối mặt với một tuần vã mồ hôi đây. Loài chim và chó di chuyển rất nhanh, cũng như rất khó để đoán trước được hành vi của chúng." - Endo chia sẻ.

Những tờ rơi có nội dung "tìm trẻ lạc" được dán nhiều nhất tại những khu vực mà mèo đi lạc thường xuất hiện.
Những tờ rơi có nội dung "tìm trẻ lạc" được dán nhiều nhất tại những khu vực mà mèo đi lạc thường xuất hiện.

Nhóm giải cứu thú nuôi đi lạc của Endo khẳng định tỉ lệ thành công trong các cuộc tìm kiếm mèo của họ lên tới 85%. Gói dịch vụ tiêu chuẩn mà họ cung cấp sẽ giúp các khách hàng tìm thấy thú cưng trong vòng 3 ngày, dựa vào những đánh giá về thói quen cũng như điều tra nhân chứng. Trong khi đó, tỉ lệ thành công ở tìm kiếm chó lạc đạt ở mức 80%, những chú chim thì khó tìm hơn (bởi chúng có cánh) với tỉ lệ ít hơn 50%. Những loài vật khác như chồn, rắn, thỏ hay rùa cũng có tỉ lệ thành công tới 75%.

Đội giải cứu thú nuôi phải đi bộ tới 9 giờ một ngày, lùng sục từng ngóc ngách, làm việc vào ban đêm (đôi khi họ còn bị hiểu nhầm là trộm), tới những nơi bẩn thỉu nhất để tìm cho ra những "anh bạn đi lạc". Chi phí cho mỗi lần thực hiện nhiệm vụ của họ rơi vào khoảng 79.000 yên (gần 17 triệu đồng), dù con vật có được tìm thấy hay không.

Nhiều người Nhật quan niệm rằng cuộc sống độc thân bên những người bạn bốn chân sẽ không gây ra thêm bất kì áp lực nào nữa.
Nhiều người Nhật quan niệm rằng cuộc sống độc thân bên những người bạn bốn chân sẽ không gây ra thêm bất kì áp lực nào nữa.

Nhiều người Nhật cảm thấy thoải mái trong việc nuôi và chăm sóc thú cưng hơn là lập gia đình rồi sinh con đẻ cái. Đối với họ, bầu bạn với một con vật sẽ đơn giản hơn nuôi nấng một đứa bé khôn lớn mà vẫn đảm bảo nhận được cảm giác yêu thương, gần gũi. 

"Điều chúng tôi cảm thấy có ý nghĩa nhất chính là sự vui mừng của khách hàng khi họ được đón người bạn của mình về nhà sau hàng chục ngày biến mất. Dù có mệt mỏi đến đâu, niềm hạnh phúc lấp lánh trong ánh mắt họ cũng giúp chúng tôi quên đi có thêm động lực tiếp tục hành trình này." - Masataka Endo chia sẻ về công việc có phần kì quặc của mình.

Tổng hợp

Chẳng đâu như ở Nhật Bản: Có hẳn nghề truy tìm thú cưng đi lạc

Chẳng đâu như ở Nhật Bản: Có hẳn nghề truy tìm thú cưng đi lạc

Xem thêm bài mới hơn

Xem thêm bài cũ hơn