Theo các nhà nghiên cứu, một phần ba số người được hỏi trong độ tuổi 20-30 bị trầm cảm. Đây được cho là khoảng thời gian của khám phá, trải nghiệm, nắm lấy các cơ hội, trước khi hôn nhân và gia đình chi phối họ. Nhưng theo nghiên cứu trên, do phải "vật vã” giải quyết các vấn đề về việc làm, nỗi lo thất nghiệp, nợ nần, và các mối quan hệ nên nhiều bạn trẻ gặp phải tình trạng khủng hoảng thường gặp.
Phải đối mặt với các vấn đề to lớn của cuộc đời nên những bạn trẻ trong độ tuổi 20-30 sẽ gặp khủng hoảng ngay khi họ bắt đầu bước vào "thế giới thực sự”. Các bạn trẻ sẽ có biểu hiện là bất an, thất vọng, cô độc, và phiền muộn, và hầu hết sinh viên sẽ gặp phải vấn đề này.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Oliver Robinson thuộc trường Đại học Greenwich ở Luân Đôn, cho hay "Khủng hoảng một phần tư cuộc đời không hẳn xảy ra trong một phần tư cuộc đời bạn mà chúng xảy ra ở một phần tư quãng thời gian trưởng thành của bạn, giai đoạn 25 đến 35, xoay xung quanh số 30.”
Tiến sĩ Robinson đã trình bày bản nghiên cứu của mình ở Hội nghị Giới Tâm lý học Thường niên tại Glasgow. Ông đã hợp tác cùng các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Birkbeck về chủ đề được ông gọi là bản nghiên cứu đầu tiên về vấn đề Khủng hoảng một phần tư cuộc đời với "góc nhìn khách quan dựa trên số liệu chứ không phải là phỏng đoán.” Bản nghiên cứu lấy số liệu từ cuộc điều tra cho Gumtree.com thực hiện cho thấy 86% trong số 1,100 người trẻ tuổi được hỏi thừa nhận bị áp lực phải thành công trong các mối quan hệ, chuyện tình cảm, vấn đề tài chính và sự nghiệp trước khi bước sang tuổi 30. Hai trong số 5 người lo lắng về chuyện tiền bạc vì thấy mình vẫn chưa đạt được mức lương mong muốn, và 32% cảm thấy áp lực hôn nhân và có con trước tuổi 30. 6% muốn di cư và 21% muốn thay đổi hoàn toàn công việc hiện tại.
Nhưng tiến sĩ Robinson cũng phát hiện thấy khủng hoảng này (thường kéo dài 2 năm) cũng có thể mang lại những trải nghiệm tích cực. Theo ông, khủng hoảng thường diễn ra theo 4 giai đoạn, từ khi mắc khủng hoảng, đến khi gặp chất xúc tác thay đổi rồi cuối cùng xây dựng và củng cố một cuộc sống mới.
"Những kết quả tìm được sẽ giúp trấn an những ai đang trong giai đoạn chuyển tiếp, rằng đây là một phần bình thường của giai đoạn đầu tuổi trưởng thành, và rằng khủng hoảng sẽ tạo ra những thay đổi tích cực, điều này đã được chứng minh,” ông Robinson nói.

Damian Barr, tác giả cuốn sách "Get it Together: A guide to Surviving your Quarterlife Crisis” cho rằng, số người trong độ tuổi 25 gặp phải những áp lực mà trước đây thường gặp ở những người trong độ tuổi 45 đang tăng lên. Ông nói, "Sự thật là tuổi 20 của chúng ta không phải quãng thời gian 10 năm để vui chơi và thể hiện cái "tôi” rõ ràng. Bước vào tuổi 20 trở đi là điều đáng sợ – phải chiến đấu với hàng triệu những sinh viên tốt nghiệp khác để có được công việc đầu tiên, vật vã tiết kiệm tiền mua nhà (như ở Việt Nam) và có thời gian để điều chính các mối quan hệ của mình".
"Chúng ta không may vì ở trong thị trừng bất động sản không an toàn. Chúng ta kiếm được nhiều nhưng cũng tiêu nhiều hơn trước. Chúng ta phải trả những món nợ để có được tấm bằng đại học, xin việc hay tìm được chỗ ở.”
Ông cũng nói thêm: "Tổ chức Trầm cảm (Depression Alliance) ước tính 1/3 số người ở độ tuổi 20 trở đi cảm thấy bức bối. Khác với khủng hoảng một nửa cuộc đời, khủng hoảng một phần tư không được nhiều người biết đến. Không có "chuyên gia” nào giúp đỡ chúng ta. Chúng ta phải tự giúp đỡ lẫn nhau.”
Diễn biến của Khủng hoảng tuổi 20-30
Pha 1: Cảm thấy bị "bó buộc” với một công việc hay một mối quan hệ hay cả hai điều trên. Tiến sĩ Robinson nói: "Đây là ảo giác bị "bó buộc”. Bạn có thể bỏ nó nhưng bạn nghĩ bạn không thể.
Pha 2: Cảm giác bản thân có thể thay đổi ngày một lớn dần. "Sự khác biệt về tâm sinh lý so với giai đoạn trước đó dẫn tới sự xáo trộn về cảm xúc. Giai đoạn này cho phép khám phá những cơ hội mới, liên quan nhiều tới đam mê, sở thích và cái tôi của bạn hơn. Từ giờ đến lúc đó, bạn có thể xuống dốc khá nhanh. Một vài người được hỏi miêu tả nó giống như bị trói buộc vào một cái vòng luẩn quẩn nhưng phần lớn những người khác thì cho rằng đây là khoảng thời gian khó khăn nhưng sẽ trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực trong tương lai.”
Pha 3: Giai đoạn xây dựng một cuộc sống mới. Giai đoạn này bạn sẽ cảm thấy sự hồi sức của mình ngày càng rõ hơn. Bạn bắt đầu khám phá, làm chủ dần được cuộc sống, bắt đầu tìm kiếm những công việc mới, những mối quan hệ mới...
Pha 4: Củng cố những cam kết mới, phản ánh đam mê, cảm hứng và giá trị mới của từng cá nhân. Bạn trưởng thành hơn sau khủng hoảng và đầy tự tin với sự cố gắng, nỗ lực của mình trong thời gian qua để có được những giá trị sống và đam mê của bản thân.
BÌNH LUẬN