Cha - con - mẹ
"Vì con sợ bố mẹ bận nên đã gọi 911"
Mình khóc như một con dở luôn... Tự nhiên mình nghĩ đến bố mẹ, các bác phụ huynh và cả mình, hình như ai trong chúng ta cũng là nạn nhân của chữ "bận" như thế. Bố mẹ lúc nào cũng đặt ra các mục tiêu và ép buộc con cái phải hoàn thành thật tốt: "Con phải học giỏi, con phải thi được vào trường chuyên, lớp chọn vì bố mẹ đi làm vất vả, đầu tắt mặt tối chỉ để kiếm tiền cho con ăn học". Mình không trách bố mẹ, cũng chẳng trách ai, chỉ thấy thương cho những em học sinh, thương cho chính mình, thương cho những khoảng trống không trong tâm hồn những đứa trẻ: "Bố mẹ không hỏi các con đi học vui không, chỉ hỏi điểm cao không? Bố mẹ không hỏi đi làm vui không,mệt không, chỉ hỏi lương có cao không, công ty to không. Kết hôn không hỏi có yêu nhau không, mà hỏi có hợp năm tuổi không? Ly dị không ai hỏi vì sao không sống cùng nhau nữa, chỉ hỏi định nhìn mặt mẹ cha, xóm giếng thế nào. Đâu phải đến lúc đi làm bạn mới sợ thứ 2, bạn sợ thứ 2 từ lúc đi học cơ mà. Hóa ra chúng ta vẫn luôn là đứa trẻ đi dưới sân trường, chỉ vì tiếng trống mà chạy đua náo loạn trong sợ hãi. Tiếng trống tuổi 25, tiếng trống tuổi 30, chưa giống lên mà ta đã sợ hãi lao đi rồi. CHƯA BAO GIỜ TA THẢNH THƠI SỐNG TRONG TÌNH YÊU BỞI VÌ NGAY TỪ BÉ, CÓ MỖI MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG HẠNH PHÚC MANG TÊN TỪ TRƯỜNG VỀ NHÀ MÀ THÔI"
"Mày nghĩ tao sẽ để yên cho mày khi mày đối xử với con tao như thế sao..."
Không hiểu sao mình lại dành hầu hết nước mắt cho nhân vật người bố, có lẽ là bởi mình thấy bóng dáng của bố mình trong đó. Bố có thể chẳng bao giờ tết tóc cho con, cũng chẳng bao giờ biết con viết gì trong những trang nhật kí, chẳng bao giờ nói những lời yêu thương con như mẹ, nhưng bố lại chính là người dám nghĩ, dám làm, dám hi sinh tất cả để đổi lấy sự bình yên của con. Bố của Hope đã khóc rất nhiều vì em mà "nước mắt của người đàn ông chỉ rơi vì người mà họ thật lòng yêu thương", mình rất hiểu những giọt nước mắt ấy vì hơn 20 năm qua mình mới chỉ thấy bố mình khóc một lần vì nỗi đau của em mình. Mình cũng rất hiểu ý định sẽ giết chết tên khốn nạn kia của bô em, vì bố muốn em thực sự được bình yên và hắn phải trả giá thích đáng với những hành động xấu xa, ghê tởm với em. Tự nhiên mình nhớ đến ngày lớp 9, mình bị đau tay vì ngã xe do họ đang đào hố làm ống dẫn nước bên đường. Bố mình vốn nóng tính nên chỉ trực nhảy bổ vào đánh họ và kiên quyết không chịu nhận tiền bồi thường. Haizz, vì chịu đau kém nên khiến bố phải chuyển hết viện này viện kia vì chiếu chụp bác sĩ cứ kêu ko sao cả mà mình thì cứ rên rỉ đau đớn. Mình cũng rất hiểu cái nỗi đau của sự bất lực trong bố em khi muốn lại gần an ủi, cùng em vượt qua nỗi đau mà em lại ám ảnh đến nỗi không dám lại gần bố. Mình thật sự cảm động trước từng hành động của người bố, cái cách ông chịu đựng nóng bức giấu mình trong con Kokomong để được gần con, cái cách ông giật mình tỉnh dậy sợ muộn giờ đưa con đi học, cái cách ông cãi nhau với bạn chỉ vì một lời lỡ lời: "hãy xem đó như một tai nạn"... Mình luôn tin vào tình thương là có thật, chỉ là đừng yêu thương quá muộn màng...
YÊU THƯƠNG...
Mình thực sự rất buồn khi đọc những cmt kiểu như: "Chỉ trong phim mới có chuyện ấy..." Hope là bộ phim rất thật, mình không bàn về cái thật của vụ việc để dựng thành phim mà muốn nói về cái thật trong cách bạn bè, hàng xóm, những người xung quanh đối xử với em. Em đã ám ảnh đến độ chỉ muốn im lặng, em đã lo sợ đến độ không muốn bước ra thế giới bên ngoài vì sự xấu hổ, ánh mắt phán xét, trêu đùa... Thế nhưng chính tình yêu thương đã chữa lành vết đau cho em. Chính lòng tốt của bác trưởng trung tâm Hướng Dương cùng các bác hàng xóm, bạn thân của bó, của mẹ và cả cô cảnh sát trẻ đã giúp em bắt đầu cảm nhận lại về cuộc sống, muốn nghe, nói, cười trở lại.Chính những lời động viên được dán đầy trước nhà từ bạn bè đã khiến em có động lực trở lại trường. Chính cái dắt tay của mẹ, của bác hàng xóm, bước chân theo sát của cậu bạn cùng lớp đã khiến em dám đi lại con đường ám ảnh đó, dám đối mặt với chuyện khủng khiếp đã qua.Mình thực sự tin vào điều đó vì mình đã từng chứng kiến những yêu thương như thế ngoài đời thật. Năm mình lớp 9, bạn mình bị tai nạn giao thông, cơ hội sống sót mỏng manh gần như không có. Mình vẫn nhớ những ngày tháng ôn thi cấp 3 đầy lo lắng biến mất, thay vào đó là cả lớp đình công không học, chỉ ngồi gấp đủ 999 hạc giấy cầu nguyện cho bạn. Nhìn những bạn nam tay chân lóng ngóng tập gấp từng con hạc thật ấm lòng. Để phẫu thuật bạn gần như phải cạo hết tóc, ngày bạn trở lại lớp, lúc nào cũng đội chiếc mũ rộng vành và che kín mặt, không nói, ko cười.. Thế nhưng không một ai trêu đùa, không một ánh nhìn ái ngại, phán xét, chúng tôi đã sống, đã yêu thương nhau suốt những ngày tháng ấy...Mình luôn tin vào tình thương là có thật, chỉ là đừng yêu thương muộn màng...
THA THỨ...
Dường như nước mắt cho em đều dồn hết vào chi tiết cuối phim, khi em ôm chân bố ngăn cản bố đánh tên khốn nạn kia. Mình cũng không biết là vì em thương bố, không muốn bố phải đi tù hay vì em muốn tha thứ nữa... Nhưng mình thây những dòng chữ chạy trên màn hình: "Người cô đơn nhất chính là người hay cười nhất. Người nếm trải đau thương nhất chính là người biết yêu thương nhất". Phải chăng em không muốn bất cứ ai phải chịu nỗi đau thêm nữa vì hơn ai hết em là người thấm thía nỗi đau hơn cả. Mình rất thích kết thúc của chuyện, sự ra đời của em bé mang tên HAPPY, hình ảnh em cùng em bé nằm cạnh nhau cùng nhìn chiếc máy bay với ánh sáng chiếu rọi rực rỡ từ khung cửa sổ. Lòng em có thể chẳng bao giờ bình yên thực sự nhưng chắc chẳn đó là sự tha thứ, tha thứ cho tên khốn nạn kia cũng chính là cách để nỗi đau mãi mãi là quá khứ, cũng như những lời em đã nói: "KHÔNG SAO ĐÂU, BẠN CÓ THỂ ĐỨNG DẬY MỘT LẦN NỮA. TƯƠNG LAI QUAN TRỌNG HƠN QUÁ KHỨ.TÔI SẼ NUỐT NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT VÀO TRONG VÌ TÔI KHÔNG CÔ ĐƠN. TÔI BIẾT. VÀ TÔI RẤT BIẾT ƠN. HI VỌNG. CÒN CÓ HI VỌNG."
P/S: Lâu lắm rồi mới lại xem một bộ phim khóc nhiều như thế kể từ "Điều kì diệu ở phòng giam số 7". Từng chi tiết nhỏ trong phim đều nhân văn và ý nghĩa. Mình rất tâm đắc hình ảnh về chiếc diều trong bộ phim. Hẳn đó là một chi tiết nghệ thuật đắt giá, khi lần đầu tiên Hope thấy chiếc diều bị mắc trên cây cao, sau đó chiếc diều rơi xuống đất rồi bị tên khốn lấy đi. Chiếu diều là biểu tượng cho sự hi vọng của em, và cuối phim nó đã chuyển hóa thành chiếc máy bay trong ánh nắng rực rỡ.
Ôi không nghĩ sẽ viết được dài như này, chắc cũng chẳng có ai để tâm đọc đến hết đoạn này. Nhưng mình chỉ muốn nói rằng: GIÁ TRỊ CỦA HOPE LÀ HI VỌNG, LÀ YÊU THƯƠNG, LÀ THA THỨ, LÀ CÁCH CON NGƯỜI TA GIÚP NHAU VƯỢT QUA NỖI ĐAU VÀ TRỞ LẠI CUỘC SỐNG. CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ LÊN ÁN TỐ CÁO ẤU DÂM, HAY ĐÒI QUYỀN BẤT CÔNG. ĐỪNG ĐỂ TRUYỀN THÔNG DẮT MŨI BẠN THÊM NỮA...
Blogger: Tâm An
BÌNH LUẬN