Lúc trước mình cũng từng học ở Việt Nam, đến năm lớp 9 chịu không nổi nên sau khi thi học kì 1 mình rút học bạ và sang một đất nước mới định cư. Tiếp nhận nền giáo dục mới ở nước khác, mình cảm thấy thương cho học sinh Việt Nam, bản thân mình sợ hãi khi có người hỏi mình:
-nếu có cơ hội, bạn có trở lại Việt Nam học tập hay không?
Mình sợ trở về cuộc sống của mình như năm lớp 9 ở Việt Nam, mỗi ngày chỉ ngủ được 4, 5 tiếng; thời gian đi học còn nhiều hơn thời gian ở nhà nghỉ ngơi, đến Chủ Nhật còn phải đi học. Vừa học xong ở trường lại phải chạy sang lớp học thêm, ngồi phía sau xe phải ăn vội hộp cơm, có khi ăn không kịp đành gửi người nhà đem về thế là bữa đó nhịn đói. Học thêm xong trở lại trường học Văn Hóa Ngoài Giờ đến 9h tối, về nhà đúng 9:30 và phải tắm - ăn cơm rồi học/soạn bài/làm báo cáo,...tận 2h sáng mới có thể đi ngủ. Chính vì áp lực học như vậy cộng thêm sức khỏe yếu nên một tháng 30-31 ngày, mình sốt hết 15 ngày (cứ cách 1 tuần lại phát sốt 1 lần). Sụt cân, mặt mày bơ phờ, sốt cao nhưng vẫn phải đi học vì sợ không theo kịp bài. Có bữa bản thân vẫn sốt, nằm ngủ li bì nhưng khi tỉnh dậy liền chạy lại bàn học lấy tập học bài.
Mình sợ cái cảnh thầy cô lên lớp giảng bài cho học sinh, khi học sinh hỏi lại liền la mắng:
-Có bao nhiêu đó cũng không hiểu, đầu óc chứa cái gì trong đó vậy? Làm không được thì đập đầu chết đi cho rồi!
Vâng, em không biết là thầy cô nói đùa hay nói thật nhưng đã làm thầy cô cũng nên nghĩ kĩ trước khi nói, thầy cô đừng cho rằng bản thân mình lớn hơn nên có thể mắng chửi học sinh bằng những lời có thể ảnh hưởng đến tâm lí. Mỗi người mỗi cá tính khác nhau, có người khi nghe thầy cô nói thế sẽ không để tâm nhưng có bạn lại để lời nói đó của thầy cô trong lòng rồi hằng ngày nghĩ đến tự trách mình làm không tốt. Lời nói nó có sức mạnh như truyền thông vậy, chỉ khác nhau hình thức thể hiện như thế nào thôi.
Học tập giúp các bạn học sinh tìm ra môn học mình thích, đâu ai có thể bắt một con cá leo cây, một con hươu thi nhảy múa hay một con khỉ tập bay. Cũng như bản thân thầy cô, mỗi người giỏi một bộ môn. Nếu bây giờ bắt thầy dạy Toán thi chạy đua 1000m hay cô dạy Ngữ Văn chuyển sang dạy Lí Hóa và thầy dạy Thể Dục chuyển sang dạy Mĩ Thuật thì thầy cô nghĩ sao? Thầy cô hãy đặt mình vào học sinh sẽ hiểu được các bạn đang có áp lực như thế nào. Giáo dục giúp cho học sinh phát triển theo khả năng của mỗi học sinh chứ không phải nhà máy sản xuất robot, đều cho ra những sản phẩm y chang nhau và chẳng có gì sáng tạo.
Chỉ xin duy nhất một điều, đừng cứ mãi nói những câu đại loại như:
-Thời tôi đi học, lúc nào cũng chỉ tập trung vào học thôi chứ có để ý gì tới chuyện khác đâu.
Vâng, chính vì thầy cô chỉ biết học nên cuộc sống của thầy cô khi còn là học sinh rất nhàm chán và điều đó thể hiện qua cách dạy của thầy cô. Một giáo viên khi giảng dạy có thể khiến học sinh vui vẻ, thoải mái học tập là một giáo viên giỏi. Còn một giáo viên lên lớp giảng bài, học sinh ngồi dưới mặt bơ phờ, buồn ngủ là một giáo viên không biết cách trau dồi bài giảng của cá nhân rồi lại trách sao học sinh đi học chẳng chịu phát biểu. Cuộc sống ai cũng phải có lúc vui, lúc buồn, lúc căng thẳng, nhưng...thầy cô lại áp dụng sự căng thẳng vào những tiết học của mình thì việc học sinh chán nản là điều hiển nhiên.
Một người thầy, người cô phải biết tâm lí và phải hiểu được ở độ tuổi nào đó học sinh sẽ có những biểu hiện gì và phải tâm sự nhiều hơn với học sinh của mình. Sự khác nhau của thầy cô quốc tế và Việt Nam nằm ở sự "khéo léo, tâm lí, lắng nghe và chia sẻ", tâm lí không chưa đủ mà phải biết lắng nghe và khéo léo chia sẻ như thế nào với học sinh để chúng hiểu được mới quan trọng. Ở nước ngoài, ba mẹ đều đi làm đến tối khuya mới về nên sự dạy dỗ đều do thầy cô đảm nhiệm, thầy cô ở nước ngoài như những người cha người mẹ thứ hai của học sinh. Vì thế khi thầy cô có ý định so sánh một bạn học sinh bình thườngvới một bạn học sinh giỏi nào đó, trước tiên hãy so sánh bản thân thầy cô với các giáo viên quốc tế. Mỗi người không ai hoàn hảo, thầy cô hãy dừng việc so sánh học sinh vì điều đó vô tình làm tăng sự đố kỵ vào ghen ghét bạn học, còn những bạn học sinh giỏi sẽ tăng thêm sự đắc ý và cho rằng bản thân giỏi hơn tất cả mọi người.
Khi mới qua nước ngoài, bản thân mình rất ngạc nhiên khi thầy cô rất thân thiện với học sinh, cảm thấy như những người bạn với nhau. Thầy cô khéo léo áp dụng các câu chuyện thực tế vào bài giảng và trò chuyện với học sinh trong giờ nghỉ trưa hoặc ra về, chỉ cần học sinh có vấn đề cần giúp đỡ, thầy cô liền lắng nghe và cho lời khuyên. Những bài học đạo đức đều có trong các môn học, những kĩ năng khi có động đất, sóng thần, dựng lều,...đều được dạy ở trường.
Sẽ không có gì ngạc nhiên khi nghe giáo viên bên đây nói câu:
-Điểm số không quan trọng, quan trọng là các em đã học được những gì trong những năm còn ngồi trên ghế nhà trường. Có áp dụng được chúng trong cuộc sống hay không, vì thế khi kiểm tra điểm số không cao điều đó không có nghĩa các em là kẻ thất bại."
Và nếu như câu nói trên được phát ra từ miệng của một giáo viên Việt Nam, sẽ là một đề tài nóng của cả trường (có khi báo chí cũng sẽ đăng tin). Sự động viên, an ủi và khen thưởng học sinh của giáo viên Việt Nam rất hiếm nhưng sự so sánh thì lúc nào cũng nghe. Thầy cô Việt Nam luôn bắt học sinh phải theo một khuôn mẫu trong khi bản thân thầy cô lại không như thế, mình đã từng chứng kiến cô giáo dạy môn Công Dân nói tục trong phòng giáo viên khi thảo luận vấn đề với một giáo viên khác.
Chuyện sẽ chẳng có gì to tát nếu ngày thường trên lớp cô không mang sự căng thẳng đến cho lớp, cô giảng bài lúc nào mặt cũng căng hơn dây đàn và ra vẻ nghiêm nghị. Nếu như nói con người ai rồi cũng có lúc sống thật với chính mình thì thay vì mỗi ngày trên bục giảng luôn sống thật với bản thân còn hơn tự ép bản thân vào một khuôn khổ và vô tình cái khuôn khổ đó khiến học sinh gặp áp lực (có khi chính thầy cô cũng gặp áp lực với cái khuôn khổ mà bản thân thầy cô ép mình phải nghe theo).
Chính vì vậy, bài viết này chỉ muốn giúp cho thầy cô hiểu thêm về tâm lí của học sinh. Không phải học sinh nào cũng chịu được sự nghiêm khắc, chương trình giáo dục ở Việt Nam đã là một áp lực lớn của học sinh khi đến trường, thầy cô lại vô tình tạo thêm áp lực lớn thứ hai. Có những phụ huynh luôn muốn con của họ đạt thành tích tốt, vậy những đứa trẻ đó phải chịu thêm một áp lực lớn thứ ba. Người lớn gặp một áp lực lớn thôi đã đủ mệt mỏi, đằng này các bạn học sinh phải chịu đến ba áp lực, các bạn cầm cự được đến 12 năm học đã là một điều tuyệt vời. Mình chắc rằng sẽ chẳng ai có nghị lực vững chắc như học sinh Việt Nam đâu!
BÌNH LUẬN