Hà Giang là một tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, rất nổi tiếng với các địa danh như cực Bắc Lũng Cú, cao nguyên đá Đồng Văn, chợ tình Khâu Vai, con đường hạnh phúc Mã Pì Lèng… nên những ai yêu thích du lịch chắc hẳn đều đã một lần đến với Hà Giang.
Hà Giang hùng vĩ
Cách đây nhiều năm,Hà Giang còn là một địa danh xa xôi, khiến nhiều người lo sợ khi đi qua đây vì “dốc Bắc Sum, hùm Cán Tỷ, phỉ Đồng Văn” nhưng bây giờ Hà Giang đã trở thành một địa danh làm say lòng những người yêu thích nhiếp ảnh và du lịch.
Tam giác mạch (hay còn được gọi là kiều mạch) là một loài cây thân thảo, lá hình tim, hoa mọc thành chùm có màu trắng hoặc phớt hồng, tím nhạt. Tam giác mạch có hai loại, tam giác mạch trắng, thường được trồng ở khu vực Cao Bằng, trên đường từ Trùng Khánh và thác Bản Giốc. Còn ở khu vực Hà Giang thường trồng là loại Tam giác mạch tím, có màu hồng đến tím nhạt.
Tam giác mạch ở Hà Giang được trồng nhiều ở khu vực Sủng Là, đường vào Lũng Cú và dưới chân đèo Mã Pì Lèng.
Lên Hà Giang tầm trung tháng 10, tháng 11 dễ dàng bắt gặp những khung cảnh bao la hoa Tam Giác Mạch
Vẻ đẹp rực rỡ của loài hoa này khiến cho ai bắt gặp cũng trở nên mê mải đến nao lòng.
Trên đường vào Lũng Cú hay dưới chân đèo Mã Pì Lèng, tam giác mạch được trồng bạt ngày cả thung lũng khiến du khách không thể đi qua mà không dừng lại thưởng thức cảnh đẹp này.
Tam giác mạch được người dân Hà Giang trồng làm cây lương thực, một năm hai vụ, bột được lấy từ quả tam giác mạch trộn với bột ngô phục vụ cho bữa ăn chính. Bột này cũng được trộn thêm vào nguyên liệu nấu rượu ngô nên rượu ngô ở đây có mùi thơm rất đặc trưng. Thân cây còn có thể làm thức ăn cho gia súc.
Hàng năm vào tháng 5 và tháng 11, rất nhiều đoàn du lịch lên Hà Giang chỉ để ngắm hoa tam giác mạch nở rực rỡ khắp núi rừng. Mùa này, không chỉ có Tam giác mạch, cao nguyên đá Đồng Văn còn rực rỡ bởi nhiều loại hoa khác nữa với vẻ đẹp giản dị mà mạnh mẽ.
Bạn sẽ cảm thấy hối tiếc nếu chưa từng đặt chân lên vùng đất này vào mùa Tam giác mạch để ngắm nhìn cảnh tượng có thể coi là lãng mạn nhất trong năm.
Giang Trần
BÌNH LUẬN