Bạn sẽ làm như thế nào nếu đến cận ngày tổ chức hôn lễ nhưng cảm thấy hoài nghi tình cảm của chính mình, của chồng và cả gia đình chồng?
Mới đây, trên một nhóm ở mạng xã hội, bạn gái trẻ có nickname T.Đ đã làm nhiều người chú ý khi nêu ra vấn đề: “Em sắp cưới rồi nhưng không có hào hứng gì cả. Em có nên hủy bỏ hôn lễ không mọi người, giờ em cảm thấy rối bời quá”. Bên cạnh đó, T.Đ cũng chia sẻ cảm xúc thật của mình đó chính là cảm thấy gia đình chồng khá phức tạp và cô cũng tự nhận ra rằng mình không có nhiều tình cảm dành cho chồng.
Bài đăng của cô gái đang gây chú trên MXH
Ngay dưới phần bình luận, một số cư dân mạng cũng góp ý vấn đề ở đây là bản thân của cô gái. Nhưng bạn đừng tự trách mình, bởi khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, rất nhiều người từng lăn tăn về quyết định cưới chồng của mình. Trong khoa học, người ta sử dụng cụm từ "khủng hoảng tiền hôn nhân" để nói về các suy nghĩ này. Tuy nhiên, tùy người, hoàn cảnh và nhiều yếu tố khác mà mức độ ảnh hưởng tiền hôn nhân khác nhau như: tranh cãi chuyện tiền bạc, hoài nghi tình cảm mình và người ấy, hoài nghi cuộc sống tương lai, chê bai nhau, thậm chí tranh cãi hay cả xung đột.
Thông thường, khoảng một tuần trước ngày hôn lễ, khủng hoảng tiền hôn nhân rất dễ xảy ra. Để giải quyết cho các mâu thuẫn xuất hiện trong giai đoạn này và hướng giải quyết, chúng ta cùng đi sâu vào phân tích lý do tại sao chị em mình “chán cưới” khi hôn lễ đã sát nút?
Hoài nghi đầu tiên của nhiều chị em liệu rằng có nên cưới người ấy làm chồng. Liệu rằng anh ấy có tốt như mình tưởng? Thực tế, "nhân vô thập toàn" và người bạn đời của mình cũng chắc chắn chẳng thể hoàn hảo không tì vết. Ngay cá nhân chúng ta cũng thế thôi! Khi sống chung, việc “vỡ mộng” là điều quá bình thường nhỉ.
Nếu như bạn nhận thấy, mình hoài nghi tình cảm chính mình khi chính bạn cũng chưa thực sự hiểu hết anh ấy thì có lẽ hai bên chưa tìm hiểu lẫn nhau, hiểu những điều xung quanh đối phương. Còn bây giờ, dù muộn nhưng vẫn kịp, hãy cùng với bạn đời trò chuyện thật lâu hơn bình thường, để hai bên có cơ hội hiểu nhau, để nói về chuyện tương lai.
Đây là một cơ hội rất tốt để thấu hiểu nhau, xóa tan những cảm giác lo lắng với hôn nhân trong tương lai. Chú ý, đây là một thời điểm nhạy cảm của cả hai vậy nên đừng cố tranh cãi ai đúng sai, có thể bạn thắng trong 1 cuộc tranh cãi nhưng cũng có thể bạn đã thua trong 1 cuộc tình dù chưa bước vào ngưỡng cửa hôn nhân.
Nhưng nếu bạn hoài nghi về mối quan hệ của gia đình chồng, mối quan hệ của mẹ chồng và mình thì sao nhỉ? Khi về sống trong một môi trường mới, hoàn cảnh mới, nếp sống mới, tất nhiên cũng có lúc “thế này thế nọ”. Như bản thân mình trong gia đình, cũng có những lúc bố mẹ, anh chị em làm những điều khiến mình buồn đó thôi.
Vấn đề ở đây là bạn cần chuẩn bị tâm lý để thích nghi với cuộc sống mới. Hôn nhân không phải một màu hồng mà nó có rất nhiều gam màu khác. Không ai khác, chính bạn phải học cách sống hòa thuận với tất cả mọi người, để không đẩy các mối quan hệ đi vào các tình huống khó xử “giữa mẹ và tôi, anh chọn ai”. Trước và sau khi kết hôn, bạn cũng nên chủ động làm quen với những người xung quanh chồng để sau này không có quá nhiều người “lạ” bất ngờ xuất hiện khiến cuộc sống bạn căng thẳng.
Một trong những câu hỏi nhiều chị em thường nghĩ tới trước ngày cưới đó chính là về lấy chồng mình sẽ vô cùng vất vả khi vừa làm dâu, làm mẹ, làm vợ. Để giải quyết vấn đề này, bạn hãy cùng chồng thảo luận những điều cam kết với nhau trước khi kết hôn sẽ là tốt nhất đấy nhé.
Cũng có nhiều bạn gái lo lắng sự nghiệp và tiền đồ sẽ bị ảnh hưởng bởi hôn nhân. Thế nhưng, thực tế bạn đừng quá sợ hãi bởi kết hôn và sinh con là quá trình tự nhiên của phụ nữ. Chỉ vì công việc mà từ chối kết hôn là việc làm không cần thiết, chỉ cần bạn kết hôn sinh con đúng thời điểm thì mọi việc đều có thể sắp xếp ổn thỏa.
Còn nếu bạn phân vân vì kết hôn hay không chỉ do anh ấy không phải là người mình yêu nhất thì bạn nên nhớ rằng, kết hôn không phải là tìm người hoàn hảo nhất mà tìm người phù hợp với mình nhất. Có những mối tình mà chỉ đứng xa nhìn mới thấy đẹp, có những vị ngọt ngào chỉ tuyệt vời khi giấu kín trong tim, người bạn yêu nhất có lẽ lại không phải là người thích hợp làm chồng. Trân trọng hiện tại mới khiến bạn là cô dâu hạnh phúc nhất.
Bạn hoàn toàn tự tin bước vào hôn nhân nếu:
- Bạn muốn mình kết hôn chỉ vì lí do đơn giản là thích chung sống với “nửa kia” hơn 1 mình.
- Khi đề cập chuyện hẹn hò với bạn bè, bạn cảm thấy hạnh phúc về mối quan hệ hiện tại của mình.
- Bạn biết mình tìm kiếm điều gì ở người ấy và bên người ấy bạn sẽ như thế nào.
- Ngoài người ấy, bạn có những người bạn thân thiết khác để chia sẻ và hỗ trợ khi cần.
- Bạn đã hiểu rằng, không phải chuyện gì mình cũng là "số 1" nữa, đôi khi trong một số hoàn cảnh bạn có thể chấp nhận và dung hòa mọi thứ.
- Bạn bắt đầu chú ý hơn tới nhẫn đính hôn của mọi người chỉ vì bạn cũng đang mong mình được đeo nó.
- Khi bạn nghĩ tới tương lai, "nửa kia" luôn là một phần trong đó.
- Hai người trò chuyện cởi mở về tiền bạc. Nếu hai người thành thật với nhau về tài chính của mình, đó là một dấu hiệu tốt cho thấy các bạn thực sự tin tưởng lẫn nhau.
- Hai bạn thực sự trò chuyện về việc kết hôn, về những thực tế mà hai người muốn để được bên nhau mãi mãi.
- Cảm xúc của bạn thực sự gắn liền với cảm xúc của "nửa kia". Anh ấy buồn khi bạn buồn và ngược lại. Tương tự, cả hai bạn luôn vui mừng và cảm thấy tự hào về những thành quả của người kia.
- Bạn nghĩ về anh ấy như số liên lạc khẩn cấp khi cần. Nếu có chuyện gì đó xảy ra, anh ấy là người duy nhất bạn thực sự muốn có mặt bên mình.
- Các bạn muốn sống bên nhau. Bạn thích nhìn thấy "nửa kia" khi thức dậy vào mỗi sáng, lúc đi làm về mỗi tối hay ngay cả khi hai người vừa đi chơi cuối tuần cùng nhau.
Còn bây giờ, kết hôn hay không kết hôn, chắc hẳn chính bạn cũng đã có câu trả lời!
ST
BÌNH LUẬN